LOST IN THE CITY – KHÁM PHÁ HÀ NỘI THEO CÁCH RẤT RIÊNG!
Bạn nghĩ mình đã hiểu rõ Hà Nội? Lost in the City sẽ khiến bạn bất ngờ.
Cùng City Cycle khám phá những địa danh đậm chất lịch sử, ẩn chứa những câu chuyện thú vị mà ngay cả nhiều Z-er sống ở Hà Nội lâu năm cũng chưa từng biết – hoặc từng lướt qua mà vô tình bỏ lỡ.
Không chạy theo những điểm check-in đông đúc, bạn sẽ trở thành người tiên phong, nhà thám hiểm, tự tạo nên những khoảnh khắc độc đáo và riêng biệt giữa lòng thành phố quen thuộc. Lost in the City – Đi lạc để tìm thấy một Hà Nội rất khác trong chính trái tim mình!
Tháp nước Hàng Đậu (1894) – Được xây từ đá của tường THÀNH HÀ NỘI

Tại Hà Nội, tháp nước này có một người anh em song sinh ít được biết đến hơn, là tháp nước Đồn Thuỷ, thuộc khu Nhượng địa mà nhà Nguyễn phải chuyển giao cho người Pháp cai quản. Tháp nước Hàng Đậu được xây dựng năm 1894, có nhiệm vụ cung cấp nước cho một bộ phận dân cư khu phố cổ và cho binh sĩ Pháp đóng trong thành cổ Hà Nội. Những viên đá phía bên ngoài tháp nước được lấy từ tường thành Hà Nội sau khi thực dân Pháp đã cho hạ giải công trình này.
Địa chỉ: Quán Thánh - Hàng Than
Viện Viễn Đông Bác Cổ (1925, Kiến trúc sư Ernest Hébrard)

Là bảo tàng thuộc Viện Viễn Đông bác cổ, một trung tâm nghiên cứu về Đông Dương của người Pháp. Bảo tàng được xây dựng năm 1925 do kiến trúc sư Ernest Hébrard thiết kế, mang đậm dấu ấn kiến trúc Pháp Nam, là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu nhất cho phong cách kiến trúc này tại Hà Nội. Ban đầu, bảo tàng mang tên Louis Finot. Hai bên cửa chính lúc khánh thành có trang trí bên phải là tượng sư tử, bên trái là đầu rắn Naga thuộc văn hoá Ấn Độ theo phong cách Khmer, nay đã không còn.
Địa chỉ: Bác Cổ
Hội Quán Quảng Đông (1803) - 94 Hàng Buồm

Ngôi nhà này vốn là hội quán của người Quảng Đông sinh sống tại Hà Nội. Có một thời gian, phố Hàng Buồm còn được gọi là phố Quảng Đông vì các hộ dân trong phố đa phần là người Quảng Đông, rất ít gia đình Việt sinh sống. Vào khoảng thế kỷ 19, Hàng Buồm là phố buôn bán sầm uất và đa phần là bán buôn. Đầu phố, đoạn giáp với Hàng Ngang mới có các cửa hàng bán lẻ, đa phần là bán đồ ăn người Hoa. Chính giữa phố là Hội quán Quảng Đông, được xây dựng năm 1803 thời vua Gia Long theo lối kiến trúc Trung Hoa đặc trưng, nay được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Hội quán dùng là nơi người Hoa kiều hội họp, bàn chuyện làm ăn, phân xử đúng sai... Trong hội quán có tượng thờ Quan Công và Thiên Hậu, biểu thị tinh thần Hán tộc của những người Hoa bỏ xứ đi kiếm ăn. Thậm chí, khi thực dân Pháp mới vào Hà Nội, chúng còn mượn hội quán này để hội họp, tiếp tân khi có đại lễ vì đây là công trình kiến trúc khang trang bậc nhất khu phố cổ.
Địa chỉ: 94 Hàng Buồm
Nhà thờ Cửa Bắc (1925, Kiến trúc sư Ernest Hébrard) – Gắn liền với bài hát "Em ơi, Hà Nội phố" của nhạc sĩ Phú Quang, với câu "Tan lễ chiều, sao còn vọng tiếng chuông ngân"

Thêm một công trình kiến trúc khác mà kiến trúc sư, nhà quy hoạch đô thị Ernest Hébrard để lại cho Hà Nội. Nhà thờ được xây năm 1925, theo phong cách kiến trúc Phục Hưng nhưng được "che đậy" một bộ mái ngói đậm nét truyền thống Việt Nam - điều rất dễ nhận thấy trong các công trình mà Ernest Hébrard thiết kế tại Hà Nội, Đà Lạt và Sài Gòn. Nhà thờ Cửa Bắc có dáng vẻ bất đối xứng hơn các nhà thờ ở Hà Nội bấy giờ, nhất là khi đặt cạnh Nhà thờ Lớn Hà Nội. Nhà thờ được xây để tôn vinh các thánh tử vì đạo tại Hà Nội nhưng khi ấy, họ chỉ mới được phong chân phước nên nhà thờ đổi tên Nương vương các thánh tử vì đạo. Tên gọi nhà thờ Cửa Bắc là do nhà thờ nằm gần cửa Bắc thành Hà Nội.
Nhà thờ đã đi vào bài hát "Em ơi, Hà Nội phố" với câu "Tan lễ chiều, sao còn vọng tiếng chuông ngân" dù nhạc sĩ Phú Quang không viết đích danh tên nhà thờ. Nguyên văn, trong bài thơ Hà Nội phố, thi sĩ, hoạ sĩ Phan Vũ viết "Vòm trên cao hồi chuông đổ / Nhà thờ Cửa Bắc / Tan chiều lễ / Kinh cầu còn mãi ngân nga"
Địa chỉ: Phan Đình Phùng
Biệt thự trăm tuổi 44 Hàng Bè (1925)
Đây là dinh thự của ông Trương Trọng Vọng, một nhà thầu đá kè đê ở các tỉnh dọc theo bờ sông Hồng. Ngôi nhà được xây năm 1925-1926. Ngôi nhà rộng 800m vuông này sau khi ông Vọng mất thì được truyền cho người con gái thứ 2 là bà Trương Thị Mô. Ngôi nhà được xây theo lối kiến trúc Pháp, có khoảng sân dài ở giữa làm giếng trời, lấy ánh sáng cho tất cả các phòng. Căn biệt thự có 10 phòng riêng biệt, gồm phòng ngủ cho người nhà, phòng dành cho khách, phòng cho người làm, phòng ăn, hệ thống nhà vệ sinh. Điểm nhấn tại đây là 4 cột đá nguyên khối, chạm khắc tinh xảo các họa tiết “Đào – Cúc – Trúc – Mai”. Trong biệt thự còn có cả gian thờ họ, sau này được chuyển đổi thành lớp học thuộc trường cấp 2 Bắc Sơn.
Địa chỉ: 44 Hàng Bè
Biệt thự cổ trăm tuổi số 8 Chân Cầm - Gắn liền với nhà tư sản Vũ Huy Quang & Hội Hợp Thiện

Căn biệt thự rộng 345m vuông này do nhà tư sản Vũ Huy Quang xây dựng năm 1931. Ông là doanh nhân rất thành đạt và đã cùng "vua tàu thuỷ" Bạch Thái Bưởi lập ra hội Hợp Thiện vào năm 1905. Hội đứng ra thuê dân phu đi khắp các ngõ phố để thu gom những tử thi vô chủ, tập trung lại rồi đem chôn do thời gian này, bệnh thổ tả, kiết lị làm nhiều người chết trong đó có nhiều cái xác vô thừa nhận. Trụ sở hội ban đầu ở phố Gia Ngư, sau chuyển về 125 Phùng Hưng và đây vẫn là nơi tổ chức tang lễ cho người Hà Nội đến ngày nay. Hội còn tổ chức nhiều hoạt động chăm lo những hoàn cảnh khó khăn khác cho đến năm 1946 thì đóng cửa do chiến sự. Căn biệt thự trên phố Chân Cầm được xây theo lối kiến trúc Pháp Nam nhưng vì khuôn viên nhỏ nên tập trung nhiều vào các chi tiết mà không có những khoảng sân chung như thường thấy ở các biệt thự trong khu phố cũ. Năm 1955, căn biệt thự được chính quyền giao cho nhiều hộ dân sinh sống, con cháu cụ Vũ Huy Quang không còn ai cư ngụ ở đây.
Địa chỉ: Số 8 Chân Cầm
Nhà cổ 42 Hàng Cân – Hơn 130 tuổi – Chính là “Hiệu Ích An” xưa, là cửa hàng bán giấy dó duy nhất còn lại ở khu vực 36 phố phường xưa.

Đây là một trong những căn nhà cổ điển hình hiếm hoi còn lại của Hà Nội. Nhà xây theo dạng nhà ống, thuôn dài theo cấu trúc nhà - sân - nhà. Diện tích căn nhà là 108m vuông, có 2 tầng. Tầng trệt dùng làm nơi buôn bán, tiếp khách. Tầng trên là nơi sinh sống. Căn nhà này do cụ Trần Hữu Lập, người sáng lập của hiệu Ích An, cha của giáo sư Trần Hữu Tước, xây dựng vào đầu thế kỷ 20. Hiện tại, biển hiệu Ích – An vẫn được treo ở gần cửa ra vào. Bên trong, sàn nhà, cột gỗ, cửa sổ, cửa ngoài, hệ thống cầu thang… được làm bằng gỗ lim hoặc một số loại gỗ quý nên còn giữ được đến giờ. Nhà số 42 Hàng Cân không chỉ là ngôi nhà có kiến trúc cổ đặc trưng của người Hà Nội bản xứ, mang tinh thần Kẻ Chợ, mà còn là cửa hàng bán giấy dó duy nhất còn lại ở khu vực 36 phố phường xưa.
Địa chỉ: 42 Hàng Cân
Đình Quyến Yếm thị– Ngôi đình trăm năm của phường bán Yếm - 38 Hàng Đào

Yếm là một bộ phận trang phục của không thể thiếu của phụ nữ Việt xưa. Hà Nội không có phố Hàng Yếm nhưng có những dãy cửa hàng bán yếm và trang phục phụ nữ nằm trên phường Đồng Lạc xưa, nay là đoạn đầu phố Hàng Đào. Sách Đại Nam nhất thống chí có chép "Phố Đồng lạc bán yếm và y phục nữ". Cách đây vài chục năm, khi tu bổ ngôi đình Đồng Lạc, người ta tìm thấy tấm bia do Cử nhân Phạm Đình Viễn soạn năm 1856 có nói rõ ngôi đình Quyền Yếm thị (tức đình Chợ Yếm) này đã có từ lâu đời, đến nay (1856) thì hư hỏng, phải trùng tu. Như vậy, ngôi nhà 38 Hàng Đào chính là đình Đồng Lạc và cũng chính là Quyến Yếm thị - ngôi đình của những người sản xuất, buôn bán quần áo phụ nữ cùng phụ kiện mà tiêu biểu nhất là cái yếm.
Năm 1999, thành phố Toulouse (Pháp) đã tài trợ cho Hà Nội làm mới lại ngôi đình này theo kiến trúc cổ truyền và hiện được xem là toà nhà di sản của Hà Nội.
Địa chỉ: 38 Hàng Đào
Chùa Kim Liên – Hơn 800 tuổi – 1 trong 10 ngôi chùa đẹp nhất Việt Nam với cổng tam quan hình bông hoa sen độc đáo & kiến trúc được đánh giá là đỉnh cao nghệ thuật kiến trúc truyền thống.
Tương truyền ngôi chùa được xây dựng lần đầu tiên cách đây khoảng 800 năm, thờ công chúa Từ Hoa, con vua Lý Thần Tông (1128-1138). Bà là người thích trồng dâu, nuôi tằm nên vua Lý cho xây dựng một trại nuôi tằm tại khu vực làng Nghi Tàm bây giờ, gọi là trại Tằm Tang để công chúa về đây sinh sống. Sau khi công chúa mất, người dân nơi đây lập chùa thờ bà. Đến thời vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786), chùa mới mang tên là chùa Kim Liên. Đến thời vua Quang Trung, chùa được trùng tu, mở rộng và có dáng vẻ như ngày nay. Dấu ấn độc đáo nhất của ngôi chùa là cổng tam quan hình bông hoa sen được dựng trên 4 cột trụ bằng gỗ với bộ vì mái độc đáo, đặc biệt là những đầu đao cong vút. Cùng với đó, kiến trúc bên trong chùa cũng được xem như một đỉnh cao nghệ thuật kiến trúc truyền thống. Nhờ đó, chùa được đánh giá là 1 trong 10 ngôi chùa đẹp nhất tại Việt Nam hiện nay. Từ ngày thành lập đến nay, chùa Kim Liên là chùa dành cho các ni sư.
Địa chỉ: Làng Nghi Tàm, Hồ Tây
Chùa Hoè Nhai (thời Lý) – có Pho tượng “Vua cõng Phật” 1-0-2 tại Việt Nam

Ngôi chùa được xây dựng vào cuối thời nhà Lý, ở gần một bến đò nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam là Đông Bộ đầu. Đây được xem là chùa tổ của thiền phái Tào Động, một chi phái Phật giáo nổi tiếng của Trung Hoa, được truyền vào nước ta từ thế kỷ 17. Trong chùa có một pho tượng đặc biệt, pho tượng một vị Phật ngồi trên lưng một vị vua, tương truyền có từ thời vua Lê Hy Tông (1663-1716), vị vua thứ 10 của nhà Hậu Lê. Tại Việt Nam chưa từng có pho tượng thứ hai như vậy.
Địa chỉ: 19 Hàng Than
Hội Khai Trí Tiến Đức – 16 Lê Thái Tổ

Hội Khai trí Tiến đức được thành lập năm 1919 nhằm thúc đẩy giao lưu học thuật Tây phương với học thuật truyền thống Việt Nam. Những người sáng lập Hội là các nhà trí thức bấy giờ như học giả Phạm Quỳnh (cha của nhạc sĩ Phạm Tuyên), Phạm Duy Tốn (cha của nhạc sĩ Phạm Duy), cử nhân Hoàng Huân Trung, Tổng đốc Hoàng Trọng Phu, Thượng thư Thân Trọng Huề, nhà thơ Trần Tuấn Khải, nhà nghiên cứu Nguyễn Bá Trác, nhà văn Nguyễn Bá Học.
Toà nhà được xây dựng lần đầu năm 1922, theo thiết kế của hoạ viên chính thuộc Sở Công chánh Hà Nội là Đỗ Văn Y. Đến năm 1924, do nhu cầu mở rộng trụ sở, Hội quyết định xây lại tòa nhà và vẫn chọn thiết kế của ông Đỗ Văn Y. Trưởng ban giám khảo lần này là kiến trúc sư Ernest Hébrard, tác giả hai công trình lớn là Bảo tàng Louis Finot và trường Đại học Y dược Hà Nội. Đến nay, toà nhà được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Trước tòa nhà có một ghế đá dài mà mặt ghế là một tấm đá được lấy từ tường thành Hà Nội. Nhưng mới đây, tấm đá đã bị ô tô đụng vỡ và phải "gắn keo" lại.
Địa chỉ: 16 Lê Thái Tổ
Chùa Cầu Đông (1010) - Gắn liền với câu ca dao "Bà già đi chợ Cầu Đông / Xem một quẻ bói lấy chồng lợi chăng" & là nơi duy nhất thờ Trần Thủ Độ - 37 Hàng Đường

Nhiều người biết cầu ca dao "Bà già đi chợ Cầu Đông / Xem một quẻ bói lấy chồng lợi chăng". Xưa kia, ở ngã tư Hàng Đường - Ngõ Gạch có một cây cầu bắc qua một khúc sông Tô. Do cầu nằm chếch phía Đông thành Thăng Long nên gọi là Cầu Đông, thuộc địa phận thôn Đông Hoa. Gần cầu có chợ và một ngôi chùa được xây từ thời Lý, gọi là chùa Cầu Đông. Chùa này là nơi duy nhất tại Hà Nội thờ vợ chồng Thái sư Trần Thủ Độ bởi vợ chồng ông có công tu bổ chùa. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng lý do khiến vợ chồng Thái sư Trần Thủ Độ ít được thờ phụng dù có công rất lớn là bởi ông là đạo diễn chính của cuộc hôn nhân khiến ngôi vua nhà Lý chuyển qua nhà Trần. Các sử gia phong kiến coi đây là chuyện thần tử không được phép làm nên không đánh giá cao đạo đức bề tôi của ông. Năm 1890 người Pháp xây chợ Đồng Xuân mới gộp hai chợ Cầu Đông và Đồng Xuân. Còn con phố Cầu Đông cạnh chợ Đồng Xuân thì mới chỉ được đặt tên vào những năm 1990.
Địa chỉ: 37 Hàng Đường
Thánh đường Hồi giáo 12 Hàng Lược - Năm 1890 - Dành cho các thương nhân người Ấn Độ và người gốc Trung Đông tới Hà Nội để buôn bán, trao đổi tiền tệ

Người Hà Nội xưa gọi toà thánh đường Hồi giáo duy nhất ở miền Bắc này là chùa Tây đen. Tòa thành đường được xây dựng năm 1890, dành cho các thương nhân người Ấn Độ và người gốc Trung Đông tới Hà Nội để buôn bán, trao đổi tiền tệ. Khi đó, đa phần họ sống tại khu vực phố Hàng Đào ngày nay. Thánh đường có tên là Al-Noor, có nghĩa là Soi Sáng, mang kiến trúc đặc trưng của nhà thờ Islam kết hợp với một số dấu ấn kiến trúc Ấn Độ như mái vòm, cửa vòm, tháp nhọn... Thánh đường đặt ở hướng tây để quay mặt về thánh địa Mecca linh thiêng của người Hồi giáo. Hiện nay, có khoảng 300 người Hồi giáo sống tại Hà Nội đang sinh hoạt tâm linh tại đây, trong đó có khoảng 70 người là người Việt. Trong thánh đường, có riêng một phòng cầu nguyện dành cho phụ nữ.
Địa chỉ: 12 Hàng Lược